Suy yếu và diệt vong Chúa_Nguyễn

Chính sự suy yếu

Chiếm được Thủy Chân Lạp và nhiều lần can thiệp vào tình hình Cao Miên (Campuchia), sự phát triển cơ nghiệp các chúa Nguyễn lên tới cực thịnh. Năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng vương, tức là Nguyễn Vũ Vương, tỏ ý ngang hàng với các chúa TrịnhĐàng Ngoài, danh hiệu mà các đời trước vẫn chỉ xưng là "Công".

Sau khi xưng vương, Nguyễn Phúc Khoát đặt ra nhiều nghi lễ, phong tục để tỏ ý là một xứ độc lập với Đàng Ngoài. Ngoài ra, chúa Nguyễn còn tăng cường xây dựng cung điện, đền đài nguy nga. Các quan lại, tôn thất cũng đua nhau xây cất. Vì thế dân gian phải phục dịch và đóng nhiều thuế hơn trước. Nhiều nông dân bị bóc lột bần cùng.

Trong những năm cuối đời, Vũ vương đâm ra say mê tửu sắc, không còn thiết tha việc nước nữa. Trương Phúc Loan là cậu ruột của Vũ vương nên dù không có công trạng gì mà vẫn được cho phụ chính thân cận với chúa. Phúc Loan đã dùng nhiều cách dẫn dụ chúa Nguyễn vào con đường tửu sắc, bỏ bê việc nước hòng âm mưu chiếm đoạt quyền lực sau này. Loan tạo điều kiện để Vũ vương loạn luân với người em họ (con chú ruột) là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu[10] (con của Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền là em ruột của Ninh vương Nguyễn Phúc Chú[11] (Thụ) - cha của Vũ vương) sinh được một người con trai là công tử Nguyễn Phúc Thuần. Để tránh tai tiếng, Nguyễn Phúc Thuần được nuôi kín ở hậu cung. Theo thông tin trên trang Nguyễn Phúc tộc, thì:

Để dễ dàng trong việc tiếm quyền, chính Trương Phúc Loan đã khuyến dụ chúa Võ đi vào con đường nữ sắc. Một cung phi rất được ngài sủng ái là Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, con của Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền. Đây chính là mầm mống gây cảnh suy tàn của triều đại sau này[12].

Hệ thống thuế của chúa Nguyễn rất cồng kềnh và phức tạp. Năm 1741, Vũ vương ra lệnh truy thu thuế của cả những người đã bỏ trốn với gia đình họ, tới năm 1765 lại ra lệnh truy thu thuế của 10 năm trước. Giai cấp quý tộc và địa chủ tìm nhiều cách để chiếm đoạt đất đai của dân để hưởng thụ xa hoa. Sử ghi lại rằng đại thần Trương Phúc Loan, sau một trận lụt phải trải vàng ra khắp sân nhà để phơi, từ xa trông lại sáng chóe một góc[13]. Nhiều nông dân bị phá sản. Điều đó khiến mâu thuẫn xã hội Đàng Trong trở nên gay gắt. Dấu hiệu suy vong của dòng chúa Nguyễn bắt đầu lộ rõ.

Nạn quyền thần Trương Phúc Loan

Năm 1765, Nguyễn Phúc Khoát qua đời, chính sự họ Nguyễn rối ren quanh việc chọn người lên ngôi chúa. Vũ vương vốn trước lập con thứ 9 là Hiệu làm Thế tử, nhưng Hiệu mất sớm, để lại người con là Dương. Con cả của Vũ vương là Chương cũng đã mất. Đáng lý ra theo thứ tự khi Vũ vương mất, phải lập người con thứ hai là Luân lên ngôi, nhưng quyền thần Trương Phúc Loan nắm lấy triều chính, tự xưng là "Quốc phó", giết Luân mà lập người con thứ 16 của Vũ vương là Thuần mới 12 tuổi lên ngôi, tức là Định vương, để dễ bề thao túng. Trong triều đình cũng như bên ngoài dư luận nhiều người bất bình vì khi Luân đã chết thì ngôi chúa lẽ ra phải thuộc về Nguyễn Phúc Dương.

Trương Phúc Loan trở thành quyền thần lấn lướt, mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan thao túng, chúa Nguyễn Phúc Thuần chỉ còn là bù nhìn trên ngai. Loan tự nhận là Quốc phó, giữ Bộ Hộ, quản cơ Trung tượng kiêm Tàu vụ, thâu tóm mọi quyền lực về chính trị và kinh tế. Thuế sản vật các mỏ vàng Thu Bồn, Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân... đều rơi vào tay Loan, hàng năm Loan chỉ nộp vào ngân sách quốc gia 1–2 phần mười số thuế thu được. Sử sách còn ghi lại rằng ngày nắng, Loan cho phơi của cải châu báu ra sân làm sáng rực cả một góc trời. Cả nhà họ Trương chia nhau nắm giữ mọi chức vụ chủ chốt. Người bấy giờ gọi là Trương Tần Cối.

Các quan lại cấp dưới cũng học theo thói xa xỉ đó, nạn tham ô, hối lộ cũng vì thế mà ngày càng nghiêm trọng. Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục có nhận xét về thời kỳ này của chúa Nguyễn Đàng Trong là: “… từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa – dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, quần áo là lược, nệm hoa, chiếu mây, lấy phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau… Họ coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, hoang phí vô cùng…”[14].

Cùng lúc đó, Lại bộ thượng thư Nguyễn Cư Trinh, trụ cột của triều Nguyễn qua đời (tháng 5 năm 1767). Họ Trương không còn ai ngăn trở, càng ra sức lộng hành: bán quan tước, ăn tiền tha tội, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân cực khổ. Những người có tài như Tôn Thất Dục bị Loan tìm cách hãm hại. Tài chính vô cùng kiệt quệ. Cơ nghiệp chúa Nguyễn đến đây là suy vong không thể cứu vãn nổi.

Tây Sơn nổi dậy, chúa Nguyễn sụp đổ

Bài chi tiết: Nhà Tây SơnNhà Nguyễn

Nhận thấy chính sự của chúa Nguyễn quá rối ren, lòng dân ly tán, năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi binh ở Tây Sơn với danh nghĩa ủng hộ Nguyễn Phúc Dương.

Lực lượng Tây Sơn nổi tiếng vì bình đẳng, bình quyền, không tham ô của dân và nêu cao khẩu hiệu: "Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo", do đó Tây Sơn có được sự ủng hộ rất lớn của dân chúng, nhất là những người nông dân nghèo bị bần cùng hóa bởi tình trạng địa chủ chiếm đất và sưu cao thuế nặng của Chúa Nguyễn. Những năm đầu tiên, lực lượng của nghĩa quân còn yếu, nhưng được sự giúp đỡ của nhân dân quanh vùng nên ngày càng mạnh lên.

Năm 1772, cuộc khởi nghĩa lan rộng, nghĩa quân đã thắng một số trận chống lại quân chúa Nguyễn được phái tới trấn áp cuộc khởi nghĩa. Năm 1773, quân Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn (Bình Định). Thành này là nơi các nhà buôn, vì đã phải chịu nhiều luật lệ ngăn cấm do chính quyền chúa Nguyễn đưa ra, đã quay sang ủng hộ tài chính cho Tây Sơn.

Quân Trịnh ở phía bắc nhân cơ hội chúa Nguyễn rối loạn bèn đem quân đánh vào. Chúa Nguyễn không địch nổi hai kẻ địch phải bỏ chạy vào Gia Định. Tây Sơn bèn hợp tác với quân Trịnh để đánh Nguyễn. Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào đánh chiếm Gia Định, quân Tây Sơn truy lùng gắt gao, cả Nguyễn Phúc ThuầnNguyễn Phúc Dương cùng một số quan lại đã bị bắt và bị giết.

Con Nguyễn Phúc Luân là Nguyễn Phúc Ánh đã bắt đầu sống một mình long đong vất vả và dần dần thu thập binh lính từ các nơi về đảo Thổ Châu và lấy lại Sài Gòn rồi tiến ra Bình Thuận. Sau khi đã củng cố lực lượng, năm Canh Tý 1780, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương tại Gia Định và xưng là Nguyễn vương. Sự nghiệp của các chúa Nguyễn dày công xây dựng 200 năm đã tiêu tan và lịch sử bước sang một trang mới.